“Nếu như những buổi livestream có dấu hiệu xâm phạm lợi ích cá nhân, tổ chức hoặc xã hội được pháp luật bảo vệ, thì hành vi đó phải bị xử lý nghiêm”, luật sư Tiền nhận định.
Nhiều người livestream khẳng định “ăn chặn”
Ngày 21/1, Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) đã có thông báo về kết quả giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ được xác minh, C02 xác định ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, MC Trấn Thành, MC Đại Nghĩa và bà Nguyễn Thị Hương không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp. Vì không có dấu hiệu phạm tội nên C02 quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Trước đó, nhiều cá nhân đã livestream chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề từ thiện của các nghệ sĩ trên đồng thời gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Sau khi kết quả điều tra được công bố, một số người bày tỏ thắc mắc rằng liệu những cá nhân từng livestream, “khẳng định” các nghệ sĩ trên “ăn chặn” tiền từ thiện có bị xem xét tội vu khống hay không?
Để tìm hiểu về vấn đề trên, chúng tôi đã liên hệ với luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Theo quan điểm của luật sư, để xem xét việc cá nhân có bị xử lý về tội vu khống hay không, cần phải làm rõ khái niệm thế nào là vu khống.
Cụ thể, căn cứ vào khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, vu khống là hành vi: bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, khi tố cáo bất kỳ cá nhân nào thì người tố cáo phải có bằng chứng, chứng cứ về hành vi phạm tội của người đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thủy Tiên trao tiền từ thiện tại miền Trung năm 2020
Vì vậy, trường hợp cá nhân không có có căn cứ tố giác hành vi phạm tội mà chỉ là suy diễn cá nhân thì có thể bị coi là vu khống; những trường hợp cá nhân có bằng chứng rõ ràng, có căn cứ pháp lý, nhưng qua kiểm tra, xác minh người bị tố giác không có dấu hiệu tội phạm thì cá nhân không bị xem xét về tội danh này.
Xử lý thế nào?
Luật sư Tiền chia sẻ thêm, livestream của một số nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội luôn được một lượng công chúng “khủng” tương tác mạnh mẽ. Do đó, khi phát ngôn trên mạng cần phải phân biệt được ranh giới giữa việc thuật lại một sự thật với việc nêu ra quan điểm, ý kiến chủ quan của mình. Việc tố cáo một cá nhân phải được thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chứ không phải đưa ra công luận những nội dung chưa được kết luận.
Nếu như những buổi livestream của những nhân vật trên có dấu hiệu xâm phạm lợi ích cá nhân, tổ chức hoặc xã hội được pháp luật bảo vệ, thì hành vi đó phải bị xử lý nghiêm.
Theo đó, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khi phát hiện danh dự, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại thì có quyền tố cáo hoặc khởi kiện tại tòa án để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình, trong đó yêu cầu người vi phạm phải bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín, buộc phải trả lại danh dự cho người bị tố cáo sai sự thật nếu có đủ các căn cứ như: có thiệt hại xảy ra, và thiệt hại định lượng được bằng tiền; có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp người khởi kiện là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại xảy ra.
Căn cứ vào Điều 34 và 592 Bộ luật dân sự 2015, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại về tinh thần và thiệt hại khác do luật quy định.
Bên cạnh đó, căn cứ vào khoản 2 Điều 158, Điều 469 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người đã tố giác hoặc báo tin về tội phạm nếu không đồng ý với quyết định của Cơ quan cảnh sát điều tra hoàn toàn có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự, đồng thời cần thu thập những căn cứ, chứng cứ chứng minh quyết định không khởi tố vụ án hình sự là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Theo Pháp Luật Và Bạn Đọc