Tuy không bị cấm cản hoặc hạn chế, nhưng đồng tính luyến ái tại Hàn Quốc vẫn là một vấn đề tế nhị. Cộng đồng LGBT ở quốc gia này cho đến nay vẫn khó có thể sống cởi mở.

Tại Hàn Quốc, đồng tính luyến ái không bị hạn chế nhưng đây vẫn là một vấn đề tế nhị ở quốc gia này, thể hiện rất rõ ở làng giải trí. Sau thời gian dài tìm hiểu, LGBT trong văn hóa đại chúng Hàn Quốc được thể hiện tốt nhất ở các bộ phim chiếu rạp chứ không phải trên sóng truyền hình. 

 

Chúng ta có thể thấy rõ nhất ở In Between Seasons và The Handmaiden – hai bộ phim nhận được đánh giá cao từ các nhà phê bình và khán giả nhờ cách kể chuyện chân thực. Trái ngược với các tác phẩm chiếu rạp, các bộ phim truyền hình Hàn Quốc lại khá tụt hậu khi nói về người đồng tính. 

Theo nhận xét của nhiều người, các series truyền hình ở xứ sở Kim Chi vẫn có những định kiến ​​nhất định về giới tính, ngay cả những bộ phim có động tới đề tài người đồng tính cũng thiếu đi sự chân thật, gần gũi với khán giả. 

 

Khi nền giải trí Hàn Quốc đã vươn lên thống trị nền văn hóa toàn cầu, phục vụ cho nhiều đối tượng khán giả khác nhau, các bộ phim truyền hình Hàn Quốc được yêu thích có thực sự đang giúp cộng đồng LGBTQ + được chào đón hơn, hay họ chỉ sử dụng yếu tố này để tăng độ nổi tiếng cho phim? 

Vấn đề kiểm duyệt và phản ứng từ công chúng

Ở một sự kiện vừa được tổ chức tại Hàn Quốc, nhóm nhảy Lachica đã trình diễn bài hát Born This Way của Lady Gaga, nhưng lại thẳng tay loại bỏ một câu hát đã trở thành biểu tượng. 

 

Cụ thể, phiên bản mới của ca khúc này đã bị cắt câu: “No matter gay, straight, or bi’, lesbian, transgender life” (Tạm dịch: Dù bạn có là gay, dị tính hay là lưỡng tính, lesbian, người chuyển giới).

Vấn đề kiểm duyệt từ lâu đã không còn xa lạ với các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, đặc biệt là đối với các nhân vật LGBTQ+. Năm 2010, một phân cảnh lãng mạn giữa hai nhân vật nam ở Life is Beautiful – được coi là bộ phim truyền hình đầu tiên của Hàn Quốc có một cặp đồng tính nam đã bị cắt sau khi nhà thờ nơi quay cảnh này khiếu nại lên SBS. Một bộ phim có cái nhìn thoáng hơn về cộng đồng này lại khiến công chúng phẫn nộ.

Theo Korea JoongAng Daily, một số bà mẹ đã đăng quảng cáo mang tính chất phân biệt giới tính trên một tờ báo, có nội dung đại loại là: “Con trai tôi trở thành đồng tính nam và do ảnh hưởng bởi Aids sau khi xem Life is Beautiful, SBS nên nhận lỗi”

Một ví dụ khác xảy ra vào năm 2014, khi JTBC bị cảnh báo vì chiếu cảnh hai nữ sinh trung học hôn nhau ở bộ phim Schoolgirl Detectives. Họ cho rằng cảnh quay này “vi phạm tiêu chuẩn đạo đức”.

Tuy nhiên, cơ quan kiểm duyệt cũng từng nhận về vô vàn phản ứng dữ dội từ một số bên liên quan. Biên kịch của Life is Beautiful đã bày tỏ sự tức giận của mình trên tờ Korea JoongAng Daily“Thánh đường là nơi mà ngay cả kẻ có lỗi cũng có thể tìm thấy điểm tựa – nhưng những người đồng tính lại không thể làm điều đó.” 

Thực ra, khá nhiều netizen phẫn nộ với bên phía đài truyền hình hơn, vì họ đáng nhẽ phải là làm tất cả mọi thứ để giảm bớt sự phân biệt đối xử, chứ không phải là làm nghiêm trọng vấn đề.

Bromance và Queerbaiting

Từ lâu, cụm từ bromance đã trở nên quen thuộc và xảy ra rất thường xuyên ở phim Hàn, để chỉ tình cảm thân thiết trên mức tình bạn nhưng dưới mức tình yêu giữa hai người con trai. 

 

Còn Queerbaiting là một từ để chỉ các tác giả, biên kịch hoặc người dẫn chương trình,… cố gắng thu hút khán giả ủng hộ và thuộc cộng đồng LGBTQ + bằng cách gợi ý về mối quan hệ đồng giới giữa các nhân vật, mặc dù điều đó chưa bao giờ xảy ra.

Trở lại với vấn đề chính của bài, trong khi một số biên kịch cố gắng giúp người đồng tính được đón nhận nhiều hơn, cũng có nhiều bộ phim, xin phép được dùng từ “lợi dụng” để kéo sự chú ý của nhiều người xem hơn. 

Kết quả là, có những mối quan hệ không đi đến đâu và thậm chí người đồng tính còn bị biến thành trò đùa cợt. Điều này khiến không ít người tỏ ra vô cùng khó chịu.

The Boy Next Door ra mắt lần đầu vào năm 2017, kể về hai chàng trai cùng phòng (do Choi Woo Shik và Jang Ki Yong thủ vai chính) bị nhầm là một cặp đồng tính nam. 

Bộ phim này có nhiều cảnh hài hước, tình cảm khuyến khích khán giả tưởng tượng hai nhân vật chính thật sự có mối quan hệ đồng giới, nhưng sự thật thì chẳng phải như vật.

Gần đây nhất, Vincenzo của Song Joong Ki cũng là một ví dụ điển hình cho những gì đã nói ở trên. Bộ phim mang tới một mối quan hệ tình cảm kỳ lạ và khắc họa tiêu cực về nhân vật đồng tính.

 Tập thứ 8 cho người xem thấy Vincenzo giả vờ là người đồng tính để thực hiện một nhiệm vụ. Tất nhiên, chi tiết này đã dẫn đến một cuộc tranh cãi trên mạng xã hội khi nhân vật phản diện thường là người đồng tính

Hàn Quốc còn khá chậm so với các nước còn lại ở châu Á?

Nền giải trí Hàn Quốc cũng còn rất hạn chế và chưa thật sự đón nhận làn sóng phim truyền hình “BL”, viết tắt của “tình yêu giữa các chàng trai”. 

Bắt nguồn từ truyện tranh và anime Nhật Bản, những bộ phim thuộc thể loại này nhanh chóng thu hút được một lượng lớn người hâm mộ trên khắp thế giới. Đài Loan và Thái Lan là những nước ở Đông Nam Á làm chủ đề này rầm rộ nhất.

Loạt phim chiếu mạng Where Your Eyes Linger được người hâm mộ gọi là boylove thật sự đầu tiên của Hàn Quốc, với cốt truyện xoay quanh mối quan hệ giữa người thừa kế tập đoàn và vệ sĩ của anh. Ngoài ra một số tựa phim khác như To My Star, Wish You và Nobleman Ryu cũng làm hài lòng người hâm mộ yêu thích thể loại này.

Có sự cố gắng, nhưng theo quan điểm của nhiều người, series BL của Hàn Quốc còn phát triển chậm hơn rất nhiều để vượt qua Thái Lan – thị trường mà các nhà làm phim nỗ lực nhiều hơn để khắc họa các nhân vật LGBTQ+. 

Bộ luật chống phân biệt giới tính là vô cùng cần thiết

Sau Life is Beautiful (2010), các nhân vật LGBTQ+ đã xuất hiện nhiều hơn trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, có thể kể đến như Secret Garden, Reply 1997, Love With Flaws và Itaewon Class.

 Bom tấn Mine năm ngoái đã đưa ​​Kim Seo Hyung vào vai “bà cả”, nhân vật mà kể cả sau khi thừa nhận xu hướng giới tính, sự nghiệp và sự tôn trọng của xã hội dành cho cô vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những cái nhìn tiêu cực về cộng đồng LGBTQ+ đã biến mất hoàn toàn.

Mặc dù văn hóa đại chúng đã giúp cho LGBTQ+ được ủng hộ trong xã hội và giúp những người đồng tính cảm thấy không còn cô đơn, nhưng luật bảo vệ cũng rất cần thiết ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, luật chống phân biệt đối xử ở Hàn Quốc gần đây đã bị Quốc hội nước này hoãn đến tháng 5 năm 2024, ngay cả sau khi một bản kiến ​​nghị trực tuyến ủng hộ luật này nhận được hơn 100,000 chữ ký.

Sau cùng, để thay đổi cái nhìn của cả một đất nước là vô cùng khó khăn. Nhưng tin rằng những tác động nhất định của phim truyền hình Hàn Quốc sẽ giúp cho cộng đồng người đồng tính luyến ái sớm được công nhận tại xứ sở Kim Chi. 

Theo DAN