Ấn Độ ở thời điểm hiện tại đã ghi nhận 606 ca nhiễm virus, cùng 10 trường hợp tử vong, thấp hơn rất nhiều so với đa số các nước hiện tại. Nhưng với việc mật độ dân số quá cao – 1,3 tỉ dân cùng hệ thống y tế không đủ mạnh, chỉ vậy thôi cũng đủ để thủ tướng chính phủ – ông Narendra Modi ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 21 ngày, bắt đầu vào hôm 25/3 vừa qua.
Lệnh phong tỏa được Ấn Độ thi hành một cách cực kỳ khắc nghiệt. Sẽ không có ai được phép ra ngoài – trừ trường hợp khẩn cấp, nhằm tránh để quốc gia rơi vào tình cảnh tương tự với những gì đã xảy ra với Trung Quốc, Ý, Tây Ban Nhà và Mỹ.
“Để cứu lấy Ấn Độ, cứu lấy toàn thể người dân, cứu lấy bạn và gia đình… thì mọi con đường, mọi khu vực sẽ bị phong tỏa,” – ông Modi thông báo trên sóng truyền hình quốc gia.
Ngay trong ngày đầu tiên, đường phố tại Mumbai – một trong những trung tâm kinh tế vốn cực kỳ đông đúc của Ấn Độ – đã trở nên vắng lặng. Cửa hiệu đóng cửa, tàu điện không ai đi, sân bay bị phong tỏa và các nhà máy thì ngưng hoạt động. Để thực thi mệnh lệnh một cách thật quyết liệt, các sĩ quan cảnh sát đã thực hiện các đợt truy quét ngoài đường phố và đường cao tốc. Họ chặn người đi đường, yêu cầu trình bày lý do di chuyển.
Và hình phạt dành cho các lý do không chính đáng thì chẳng phải tiền! Theo Reuters đưa tin, cảnh sát Ấn Độ sẽ có nhiều biện pháp khác để trừng phạt người bất tuân, như… lấy roi quất, bắt chống đẩy, tập thể dục giữa phố, hoặc phải đeo lên mình tấm bảng “Tôi là bạn của virus corona.”
Mohammad Alim (40 tuổi), nhân viên tại một nhà thờ Hồi giáo mới đây đã chở một quả phụ và 3 con đến đồn cảnh sát để trình báo về vụ cãi vã với hàng xóm. Nhưng những gì xảy ra ở đó thực sự nằm ngoài dự đoán của Alim.
“Khi đến nơi, viên cảnh sát đưa cho tôi một tấm bảng và bắt đầu chụp ảnh,” – Alim chia sẻ với Reuters.
“Tôi sợ lắm. Tôi không biết gặp ai để phản ánh bây giờ,” – Alim nói, đồng thời cho rằng cảnh sát đã có lời lẽ xúc phạm mình.
Sở cảnh sát tại thành phố Meerut sau đó đã tăng tải tấm ảnh của Alim lên Twitter. Trong tấm ảnh, anh đang cầm tấm bảng với dòng chữ “Tôi là bạn của Virus corona”, kèm theo dòng tiêu đề: “Một số người không quan tâm đến an toàn của xã hội.”
Cùng với Alim còn có 9 bức ảnh tương tự, với các nội dung như “Tôi không tin vào luật pháp” hoặc “Tôi không quan tâm đến gia đình và xã hội”.
Cảnh sát Ấn Độ chặn người đi đường, yêu cầu họ trở về nhà
Trả lời phỏng vấn với Reuters, người đại diện sở cảnh sát Meerut – Akhilesh Narayan Singh cho biết chỉ những người không làm theo lệnh, không chịu quay trở về nhà là bị chụp ảnh. Ông chia sẻ còn 22 trường hợp vi phạm lệnh phong tỏa nữa đã được ghi nhận. Tuy nhiên khi được hỏi về trường hợp của Alim, Singh gác máy và không có bình luận gì thêm.
Tại nhiều nơi khác, xuất hiện những hình ảnh và video cho thấy cảnh sát Ấn Độ đang thi hành lệnh phong tỏa một cách cực kỳ quyết liệt với các trường hợp vi phạm. Một số đài truyền hình địa phương và mạng xã hội chia sẻ cảnh người dân bị đánh bằng gậy baton, tại bang Kerala phía nam Ấn Độ.
Những người chống lệnh có thể bị đánh
Hoặc phạt đứng lên ngồi xuống giữa phố
Alok Barman – một người giúp việc cho các gia đình phía nam của Delhi cho biết, anh đã bị cảnh sát đánh khi di chuyển ra vùng ngoại ô của thành phố.
“Một số nhà tôi giúp việc đã trả tiền, nên tôi nghĩ tốt nhất là đi mua chút thức ăn cho gia đình. Nhưng cảnh sát lại đánh tôi. Giờ tôi chẳng còn gì để ăn cả,” – Barman chia sẻ thêm.
Tariqua Anwar – một người dân địa phương cho biết anh đang đi ra tiệm tạp hóa để mua sữa và rau, thì cảnh sát chặn lại và yêu cầu phải trở về nhà.
Cảnh sát Ấn Độ đi tuần giữa mùa dịch
Ở Lucknow – thủ phủ bang Utar Pradesh, nhiều trường hợp vi phạm tuy không bị đánh đập, nhưng phải… tập thể dục bằng động tác đứng lên – ngồi xuống và chống đẩy ngay giữa phố.
“Họ bắt mấy thằng nhỏ đứng lên ngồi xuống 10 cái,” – một người dân yêu cầu giấu tên trả lời Reuters.
Sở cảnh sát Lucknow thì chia sẻ, họ không biết gì về câu chuyện này. Người phát ngôn sở cảnh sát New Delhi – Anil Mittal cũng bác bỏ thông tin cảnh sát đánh đập người dân, bất chấp việc có nhiều video và hình ảnh ghi lại sự vụ.
Tham khảo: Reuters, Global News, NY Post