Theo thống kê mới nhất, Việt Nam là nước có sản lượng tiêu thụ mì đứng thứ 3 thế giới. Mỗi người dân tiêu thụ bình quân hơn 72 gói mì/năm, chỉ đứng sau Hàn Quốc.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị thông tin, dựa vào số liệu thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới có thể thấy, trong năm 2020 đã có 116,5 tỷ gói mì được tiêu thụ trên toàn cầu, tăng 10 tỉ gói so với năm trước, tương đương mức tăng 9,47%.

Trong đó,Việt Nam đứng thứ 3 thế giới (chỉ sau Trung Quốc/Hong Kong và Indonesia) về tổng sản lượng tiêu thụ mì gói trong năm 2020, tăng xấp xỉ 30% so với 2019 (5,43 tỷ gói). Dù Việt Nam không phải là nước tiêu thụ mì gói lớn nhất thế giới nhưng lại là quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, xếp sau là Philippines tăng 16%, Brazil tăng 11%, Trung Quốc tăng 11,8%.

Bên cạnh đó, Doanh nghiệp và Tiếp thị cũng cung cấp thêm, nếu tính theo bình quân đầu người thì Việt Nam đứng top 2 thế giới, mỗi người tiêu thụ bình quân hơn 72 gói mì/năm, chỉ xếp sau Hàn Quốc (80,6 gói mì/người/năm), cao gấp rưỡi Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Philippines và gấp đôi Trung Quốc, gấp 3 Mỹ. Năm 2019, trung bình lượng mì gói mà mỗi người Việt Nam tiêu thụ mới chỉ là 57 gói/năm.

Mì tôm là thực phẩm phổ biến tại Việt Nam

Ngoài ra, tình trạng giãn cách xã hội và thói quen dự trữ thực phẩm cũng khiến tiêu thụ mì gói tại Việt Nam tiếp tục tăng.

Theo Vietnamnet đưa tin, tại Việt Nam, khi thực hiện các đợt giãn cách xã hội, báo cáo của Bộ Công Thương cũng thường xuyên ghi nhận thiếu hụt tạm thời mì ăn liền. Bởi vì đây là mặt hàng được người dân mua với số lượng lớn, một số nơi còn ít hàng do chưa kịp phân phối, giá cả không thay đổi. Riêng mặt hàng mì Hảo Hảo tại một số địa phương đôi khi có khan hiếm do nhu cầu của người dân lớn, các cơ sở kinh doanh chưa kịp nhập hàng.

Báo này cũng đưa ra bảng khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho thấy, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng 67%. Thống kê hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam.

Nhưng không chỉ có các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, nhiều thương hiệu quốc tế khác cũng đang thâm nhập vào thị trường nội địa, tận dụng ưu đãi về thuế suất nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/nguoi-viet-an-mi-tom-nhieu-thu-3-the-gioi-tang-67-ty-le-tieu-thu-trong-boi-canh-dich-benh-gian-cach-xa-hoi-161212808094410203.htm