Bên cạnh những vị tướng vô cùng dũng mãnh, “minh tinh” nổi tiếng thời Tam Quốc còn tồn tại rất nhiều những cao thủ giấu mình mà nhiều người không biết tới, điển hình như 3 nhân vật này.

Tam quốc diễn nghĩa mô tả cục diện phân tranh một thế kỷ tại Trung Quốc, từ đời Hán Linh Đế (184) đến năm thứ nhất đời Vũ đế (Tư Mã Viêm) Tây Tấn (280)

Trong thời kỳ nhiều biến động như Tam Quốc, việc sở hữu những mãnh tướng tài giỏi, thiện chiến được coi là vốn liếng không thể thiếu đối với những vị quân chủ có tham vọng thống nhất thiên hạ như Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền.

Thời thế xuất anh hùng. Trong Tam Quốc có vô số anh hùng, hào kiệt xuất hiện. Các mãnh tướng được biết tới nhiều nhất là Lã Bố, Quan Vũ, Triệu Vân, Trương Phi hay Điển Vi…. đây đều là những vị tướng vô cùng dũng mãnh, thông qua tiểu thuyết diễn nghĩa và nghệ thuật dân gian, ai nấy cũng đều trở thành võ thần.

Tuy nhiên, bên cạnh những “minh tinh” nổi tiếng đó, còn tồn tại rất nhiều những cao thủ giấu mình mà nhiều người không biết tới, điển hình như 3 người sau:

Đồng Uyên

Ghi chép lịch sử về Đồng Uyên không nhiều, vì vậy khá nhiều người còn lạ lẫm với cái tên này, nhưng 3 vị đồ đệ của ông lại là những cái tên vô cùng quen thuộc. Người đầu tiên là Trương Nhiệm, ông là đại tướng dưới trướng của Lưu Chương. Người này không những võ công cao cường mà còn thạo mưu lược.

Người đệ tử thứ 2 của Đồng Uyên là Trương Tú, người được mệnh danh là “Thương Vương đất Bắc” (tức người dùng thương giỏi nhất miền Bắc Trung Quốc thời bấy giờ). Trong trận Uyển Thành, Trương Tú từng tước được thương của đệ nhất mãnh tướng bên cạnh Tào Tháo, Điển Vi, chỉ dựa vào điểm này thôi cũng có thể thấy được sự lợi hại của Trương Tú.

Người thứ 3, cũng là người nổi tiếng nhất trong nhóm học trò của Đồng Uyên, đó chính là Triệu Vân, một trong Ngũ hổ tướng vang danh lẫy lừng, tài năng của Triệu Vân có lẽ không cần bàn tới nhiều, ngay cả Tào Tháo cũng từng đem lòng mến mộ vị dũng tướng ở phe địch này. Luận về thương pháp, Tam Quốc có lẽ không ai dám đứng ngang hàng với Triệu Vân.

Vương Việt

Vương Việt là một kiếm khách thời kì cuối Đông Hán, những ghi chép về nhân vật này cũng rất ít ỏi, bất luận là trong “Tam Quốc chí” hay “Hậu Hán thư” đều không nhắc tới cái tên này, ông chỉ xuất hiện duy nhất trong cuốn”Điển luận” của Tào Phi.

Khoảng thời gian Hán Hiến Đế, Hán Linh Đế tại vị, Hổ Bôn tướng quân Vương Việt vì giỏi kiếm thuật, trong kinh thành, được xưng là Đế sư.

Trong chính sử, võ công của Vương Việt vô cùng cao cường, nhưng ông lại là một người ham danh lợi, luôn muốn làm quan to.

Lý Ngạn

Nếu là một fan hâm mộ Tam Quốc, bạn sẽ phát hiện ra, miêu tả Lã Bố và Triệu Vân trong Tam Quốc có nhiều điểm giống nhau, cả hai đều rất giỏi “lấy trứng chọi đá”, một mình xông vào đám đông không nề hà, ra tay vô cùng nhanh nhẹn, dứt khoát, người bình thường không tiếp được mấy chiêu của họ. Đó là bởi vì võ công của hai người đều từ một tông môn mà ra.

Sư phụ của Triệu Vân có một sư huynh tên là Lý Ngạn, người này được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất kích” (Kích là một loại b.inh kh.í cổ). Lý Ngạn là người Tính Châu (nay là Thái Nguyên, Sơn Tây, Trung Quốc), vừa hay, Lã Bố cũng là người Tính Châu, trước đó, Lã Bố đã từng bái Lý Ngạn làm thầy. Bồi dưỡng ra được đệ nhất mãnh tướng Tam Quốc, có thể thấy võ công của Lý Ngạn hoàn toàn không tầm thường, thậm chí còn trên cả Đồng Uyên.