Lưu Bị là một trong những nhân vật lý trí nhất của Tam Quốc, từ một người bán chiếu cỏ đến chư hầu hùng bá một phương. Cuộc đời của Lưu Bị chính là một bộ sách sử về ý chí phấn đấu.

Khi bạn cảm thấy mơ hồ, mệt mỏi, khi bạn bị mất phương hướng, không đủ sức gắng gượng, tôi hy vọng bạn có thể đọc hết cuộc đời Lưu Bị.

01
Xuất thân nghèo khó nhưng không chấp nhận số phận

Lưu Bị mặc dù được người đời gọi là “Lưu Hoàng Thúc”, nhưng so với những nhân vật tiếng tăm khác như Viên Thiệu, Viên Thuật, Tôn Quyền, Tào Tháo… thì Lưu Bị có gia cảnh thấp kém, nghèo hèn nhất.

Cha Lưu Bị mất sớm, gia cảnh nghèo khổ, hai mẹ con sống nương tựa vào nhau bằng nghề dệt bán chiếu cỏ. Là một nhân vật nhỏ bé, vô danh tiểu tốt đi khắp hàng cùng ngõ hẻm thực thụ.

Hãy thử xem, một người với xuất thân nghèo khó như vậy, cuối cùng trở thành bá chủ một phương, cùng với con cháu nhà quan như Tào Tháo, Tôn Quyền tranh giành thiên hạ, người đó ắt không đơn giản.

Lưu Bị mặc dù có xuất thân thấp kém, nhưng quyết không chấp nhận sô phận. Ngược lại còn ấp ủ hoài bão lớn, khác xa so với những người bình thường khác.

Lúc Lưu Bị còn nhỏ, ông từng chỉ tay vào một cây dâu đại thụ rồi nói với đám bạn nhỏ rằng “sau này ta nhất định phải ngồi trên chiếc kiệu có lọng to như thế này”.

Kiệu có lọng là chỉ kiệu dành riêng cho hoàng đế, cho con trời.

Thúc phụ của Lưu Bị là Lưu Tử Kính nghe thấy vậy, vội vàng ngăn cản:

“Trẻ con không được nói bừa, nói như vậy sẽ bị chém đầu, chu di cửu tộc”.

Trên thực tế, trước Lưu Bị cũng đã từng có những nhân vật anh hùng có cùng câu chuyện như vậy, trong đó có tiên tổ của Lưu Bị là Lưu Bang.

Năm đó, Tần Thủy Hoàng ngao du thiên hạ, đoàn binh hộ tống hùng dũng, vô cùng khí thế. Lưu Bang khi ấy đang ở tuổi trung niên nhưng vẫn chỉ là một tiểu Đình Trưởng. Nhìn thấy cảnh tượng đó liền thốt lên: “Lợi hại, đại trượng phu là phải như vậy”. Bá Vương Tây Sở Hạng Vũ càng dứt khoát hơn “phải giành lấy”.

Rất nhiều người thường oán thán xuất thân, gia cảnh nghèo hèn. Dĩ nhiên, chúng ta không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của gia cảnh đối với tiền đồ của một người, bởi có những người phấn đấu cả đời mà vẫn không bằng những người vừa sinh ra đã ngậm thìa vàng.

Thế nhưng, sức ảnh hưởng đó không phải là tuyệt đối, bạn cuối cùng sẽ ra sao quan trọng vẫn là bạn phấn đấu như thế nào.

Nhiều lúc, đừng oán trách bất cứ thứ gì, bởi đó là sự thật không thể thay đổi. Điều bạn có thể làm đó là đối mặt và không cúi đầu trước số phận.

Nếu như bạn nhanh chóng thỏa hiệp, đầu hàng trước số mệnh hoặc từ bỏ quá sớm đồng nghĩa với hy vọng tiêu tan. Bạn không thể lựa chọn xuất thân, nhưng bạn có thể lựa chọn có chấp nhận số phận hay không!

02
Luôn bị số phận công kích, nhưng chưa từng từ bỏ

Khi gặp Quan Vũ và Trương Phi, Lưu Bị vẫn là một tên buôn nghèo, không có gì trong tay. Ba huynh đệ tương ngộ, bắt đầu sự nghiệp từ việc tham gia trấn áp cuộc khởi nghĩa khăn vàng.

Từ cổ chí kim, khởi nghiệp muôn vàn gian nan, thập tử nhất sinh, nhất là đối với những người đi lên từ hai bàn tay trắng, khó lại càng khó hơn.

Trong từ điển cuộc đời của Lưu Bị, từ vựng xuất hiện nhiều nhất có lẽ là “lưu vong”.

Trấn áp khởi nghĩa khăn vàng, không ít người vì đó mà tạo được thành quả, lập chiến công như: Tào Tháo, Công Tôn Toản, Đổng Trác…

Ai ai cũng đạt được thành tựu lớn mà Lưu Bị chỉ giành được chức huyện lệnh nhỏ lại còn bị Đốc Bưu bắt nạt. Trương Phi giúp Lưu Bị trút giận, đánh đập Đốc Bưu rồi ba huynh đệ bắt đầu lưu vong chạy trốn khắp nơi.

Lưu Bị từng đi theo Công Tôn Toản, kết giao với Khổng Dung, chi viện Đào Khiêm, tới Từ Châu, cuối cùng cũng có cơ hội tạo dựng địa bàn riêng cho mình, nhưng lại không ngờ bị Lã Bố đánh úp.

Ở bên Tào Tháo mấy bữa cũng bị Tào Tháo đánh đau, khiến vợ chia con lìa, huynh đệ mỗi người một ngả.

Lưu Bị kể từ khi lập nghiệp, gần như lúc nào cũng trong tình trạng lưu vong, ăn nhờ ở đậu, lang bạc kỳ hồ, là thánh lưu vong trong Tam Quốc.

Khó khăn lắm mới tới được Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu, có chốn nương thân. Nhưng lúc này Lưu Bị đã là ông chú 40 tuổi, sự nghiệp vướng mắc cổ chai, mơ hồ và âu lo.

Dù nửa đời bị vận mệnh đánh úp, chưa từng được cuộc đời đối xử một cách dịu dàng, ông thường bật khóc, nhưng chưa bao giờ có suy nghĩ từ bỏ ngọn lửa phấn đấu trong lòng, vẫn luôn không ngừng nỗ lực.

Thực ra, đây mới là hình ảnh chân thực của cuộc sống, luôn có những việc phải lo lắng, luôn có những việc không như ý, có thể bật khóc nhưng không được nản chí. Chỉ khi nỗ lực không ngừng mới có hy vọng.

Trong con người Lưu Bị có một phẩm chất vô cùng đáng quý đó là: không bao giờ từ bỏ.

Chính phẩm chất chí khí đó, trong trận Xích Bích, liên minh với Tôn Lưu giành được đại thắng, Lưu Bị mới thực sự khẳng định được địa vị bá chủ một phương của mình. Sự nghiệp bước vào thời kỳ ổn định. Lúc này, Lưu Bị đã gần 50 tuổi.

Trong trận Hán Trung, Lưu Bị tuổi gần 60 cuối cùng cũng thắng đẹp Tào Tháo một lần.

Trận Di Lăng sau đó, Lưu Bị bị hậu sinh của Đông Ngô là Lục Tốn thiêu dụi cuộc đời, khiến ông chết thảm tại thành Bạch Đế.

Một người dù gặp phải nhiều khó khăn, nhiều phong ba bão táp những vẫn luôn chung thủy theo đuổi ước mơ trong lòng là vô cùng đáng quý. Bởi kiên trì ngày một ngày hai thì dễ, nhưng kiên trì cả đời vô cùng khó.

03
Không quên khát vọng ban đầu, ước mơ tạo nên tầm nhìn

Nhắc đến sự ngấm ngầm chịu đựng, nhân vật được nhắc đến đầu tiên trong Tam Quốc đó là Tư Mã Ý. Nhưng nhiều người cũng không thể ngờ rằng Lưu Bị cũng là một người chịu nhịn giỏi, không hề thua kém Tư Mã Ý.

Năm đó, Tào Tháo và Lưu Bị – hai người thanh mai nấu rượu, chỉ điểm giang sơn. Một người hăng hái hào hùng, ngang tàn lộ liễu. Một người khiêm tốn bẽn lẽn đánh mất sự sắc sảo.

Tào Tháo nói, những người có thể xưng làm anh hùng phải là những người có hoài bão chí lớn, có ý đồ tốt, có thể cầm có thể buông, khắp thiên hạ này chỉ có hai người là ta và ngươi.

Lúc này, Lưu Bị đang ăn nhờ ở đậu, lo lắng Tào Tháo dè chừng mình nên cố ý thể hiện mình là kẻ hèn nhát. Nghe thấy tiếng sấm ngang trời, Lưu Bị bèn cố ý hoảng sợ đánh rơi gáo múc rượu trong tay.

Giống như những gì mà Tào Tháo nói, những người trong lòng có ước mơ như Lưu Bị biết buông biết cầm. Sẽ không giống như Tào Tháo vì dũng mãnh nhất thời mà sau này thảm bại trong trận Xích Bích, phải cầu xin Quan Vũ tha mạng trên đường Hoa Dung.

Lưu Bị nghèo khó nửa đời, năm lần bảy lượt mời Gia Cát Lượng xuống núi mới lập lên bá nghiệp. Nhiều người có thể không biết, khi đó Lưu Bị đã là một ông chú 46 tuổi. Mặc dù chưa đủ thành công, nhưng ít nhất cũng có tiếng tăm trong giang hồ. Còn Gia Cát Lượng khi đó mới 25 tuổi, chỉ có danh tiếng nhưng chưa từng chứng minh bản thân bao giờ.

Nhưng Lưu Bị cứ vậy dẫn theo hai huynh đệ là Quan Vũ và Trương Phi, 3 người hơn 40 tuổi có danh tiếng đi mời một kẻ vô danh tiểu tốt, cung cung kính kính mời đi mời lại tới 3 lần liền.

Thử hỏi có bao nhiêu người có thể tự hạ thấp mình để đi cầu xin người khác như vậy? Tào Tháo không thể, Viên Thiệu càng không thể.

Ước mơ tạo nên tầm nhìn, trong lòng có ước mơ, thực sự muốn gây dựng sự nghiệp mới không để ý được mất trước mắt, mới không quá coi trọng thể diện.

Đây cũng là nguyên nhân vì sao mà nhiều người nói rằng, chưa đọc về cuộc đời Lưu Bị, không đủ tư cách để bàn về đời.

Nhiều người thường kêu cuộc đời gian nan, kể lể cảnh ngộ bất kham của mình. Nhưng so với những áp bức và sỉ nhục mà Lưu Bị đã trải qua thì những gì mà họ gặp phải chẳng đáng nhắc đến.

Người ta thường nói, không quên khát vọng ban đầu, quay lại vẫn là thiếu niên.

Lưu Bị là lão nam nhân không quên ước vọng ban đầu, luôn đấu tranh với số phận, vật lộn vì khát vọng để cuối cùng trở thành nhân vật chính của thời đại, trở thành bậc anh tài về lý trí đáng nể trong Tam Quốc.