Những giọt nước mắt Gia Cát Lượng khóc Mã Tốc, tôi thấy hoàn toàn không giống gì những điều người ta vẫn ca tụng cho rằng Gia Cát Lượng chấp pháp nghiêm minh hơn cả Tôn Vũ, là bằng chứng cho thấy ông ta có phẩm cách đạo đức cao thượng. Ngược lại, nếu liên hệ với những sự việc ông ta dung túng, biến tướng ủng hộ Pháp Chính giết người tràn lan để xem xét thì lại cho thấy ông ta tự cao tự đại, là con cáo già về chính trị, là một quyền thần chỉ một tay che lấp cả bầu trời trên chính trường.
(…) Trong sự kiện này với kết cục Mã Tốc bị hạ sát, tôi cho rằng chính là do Gia Cát Lượng gây nên. Có 4 lý do:
1, Chính Gia Cát Lượng là người phản lại di mệnh của Lưu Bị “bỏ để dùng Tốc”, tội ông ta trước nhất;
2, Lần Bắc phạt này ông ta toàn quyền chỉ huy, tuy Mã Tốc ở Nhai Đình có “làm trái thánh ý” nhưng hành động sau này lại có “gây nên tổn thất dù đã cố ngăn chặn”, những điều này không thể trách tội lên Mã Tốc. Vậy nên tra xét đến cùng thì cũng là do ông ta “không cách gì đảm đương được”, “không thể giúp tỏ tường ý pháp”, đổ hết tội lên Mã Tốc có chiều không thoả đáng.
3, Mã Tốc tuy “trái sự quản chế của Lượng, hành động bất lợi, bị Cáp phá vỡ tan tác”, nhưng cái gọi là “tướng ở ngoài quân mệnh có khi không nghe”, là một chỉ huy tiền tuyến thì phải có khả năng tự chủ, dù có chiến bại thì tội cũng không đến mức phải xử tử.
4. Điểm cuối cùng, trên thực tế là rất quan trọng, chính là Gia Cát Lượng trước giờ đều không giống như những gì người ta ca tụng chấp pháp nghiêm minh công tâm, chấp pháp nghiêm minh của ông ta phải xem đối tượng có phải là nhu cầu chính trị không chứ tuyệt đối không có gì là công tâm.
“Tam quốc chí” “Thục thư” “Pháp chính truyện” viết: “Đường đường là Thái thú Thục quận, Dương Vũ tướng quân, ngoài cai quản thành luỹ, trong mưu sự cùng vương chủ. Đức mỏng oán cừu con con cũng quyết báo thù, sát hại huỷ hoại biết bao người. Hoặc như có người nói với Gia Cát Lượng “Pháp Chính ở Thục quận quá ngang ngược, tướng quân nên bẩm với chúa công, khống chế cái bạo ngược của ông ta”. Lượng đáp: “Chúa công… Vào lúc này, tiến thoái lưỡng nan, Hiếu Trực (tên tự của Pháp Chính) là cánh tay phải của chúa công, ra tay nhanh như chớp, không thể cứu vãn được. Làm sao cấm cản được Pháp Chính mà không làm trái ý ông ta đây!” Pháp Chính ở Thục quận tác oai tác quái, chỉ vì một oán thù cỏn con ngày trước cũng báo thù “sát hại huỷ hoại biết bao người”. Vậy mà Gia Cát Lượng khi được người khác trình tấu, đòi ông đi thỉnh Lưu Bị ngăn cản cái ngạo ngược vô đạo của Pháp Chính thì ngay đến cả việc đi trình tấu chúa công ông ta cũng cự tuyệt. Không những thế, ông ta thậm chí còn thuyết giáo rằng biết Pháp Chính có thể “ra tay chớp nhoáng, không thể cứu vãn” thì bay giờ việc gì phải cấm cản ông ta vui sướng với việc báo thù đây? Ý tại ngôn ngoại, ấy là nói Pháp Chính có công lao to lớn nhường ấy, là người hùng trước mặt đại vương, ông ta có giết mấy người thì cũng xá chi, đến cả sau khi ông ta giết người rồi thì ngăn cản ông ta cũng hoàn toàn không cần thiết, bởi làm vậy sẽ khiến ông ta không vui.
Đây là những lời một người chấp pháp nghiêm minh có thể nói ra miệng được thật quả là miệng lưỡi của kẻ tự tư tự lợi ngang ngược. Trong việc này, phản ứng và cách xử lý của Gia Cát Lượng cùng với những phẩm chất cùng phong cách “một lời thưởng phạt cũng đầy trách nhiệm” vẫn được người ta tôn sùng đã sai khác với nhau quá xa. Nhưng tôi cho rằng đó mới là khuôn mặt thật của ông ta. Bởi ở ông ta, những điều gọi là quốc pháp, quân pháp có cần chấp hành hay không thuần tuý chỉ được quyết định bởi tầm quan trọng của đối tượng phải chấp hành và hơn thế là xem xem nó có hàm chứa nhu cầu chính trị cho việc thực hiện hay không chứ không hề phụ thuộc vào đối tượng đó có điều thất thố hay hành vi sai phạm nào không. Do vậy tôi mới nói rằng chuyện Mã Tốc được sống hay phải chết, Gia Cát Lượng nếu muốn thì hoàn toàn đủ năng lực và quyền lực để Tốc không phải chết. Nhưng ông ta cũng không phải vì hình tượng chấp pháp nghiêm minh của mình, chỉ cần xem cái thái độ và cách xử lý đối với kẻ “giết hại huỷ hoại vô số người” như Pháp Chính cũng đủ biết rõ con người ông ta rồi.
Là mưu sĩ qua lại mật thiết với Gia Cát Lượng lại trụ chân lâu dài giữa trung tâm quyền lực, quen thuộc với thế cục cùng từng sự việc trong chính trị quân sự Thục Hán, Mã Tốc tất nhiên biết những hậu quả của thất bại này về chính trị và quân sự. Ông ta cũng hiểu quá rõ kết quả này sẽ nguy hại ra sao cho Gia Cát Lượng cũng như toàn bộ tập đoàn Kinh Sở, lại càng hiểu rõ con người Gia Cát Lượng. Tôi tin rằng đó mới là nguồn cơn chính của việc ông ta sợ tội mà tìm đường đào tẩu. Do vậy trong ngục ông ta mới viết một bức thư cho Gia Cát Lượng thế này: “Cái nghĩa thâm cùng giết Cổn rồi hưng Vũ (tích xưa cha Vũ là Cổn được vua Nghiêu sai đi trị thuỷ nhưng không thành công nên bị vua Thuấn giết. Vũ kiên trì dốc lòng huy động vật lực sức lực hoàn thành cho bằng được –ND), để công lao thuở bình sinh không bị uổng phí, Tốc này dù có chết cũng không oán hận chi chúa công” (12). Ông ta viện dẫn điển cố “giết Cổn rồi hưng Vũ”, lại dùng các cách nói “để công lao thuở bình sinh không bị uổng phí” một mặt cho thấy ông ta thừa nhận mình có tội, mặt khác rõ ràng cũng bày tỏ ông ta mong trong tình hình khó lòng may mắn được thoát tội như hiện nay có thể để ông ta tự mình gánh chịu hậu quả, giúp Gia Cát Lượng tránh được những đối thủ công kích, tiếp tục nắm giữ cục diện chính quyền Thục Hán.
Nhờ vậy chúng ta có thể hiểu rõ hơn việc vì sao Gia Cát Lượng không màng tới lời khuyên ngăn của những người như Tưởng Uyển, thậm chí còn trừng phạt những người như tham quân Thừa tướng Lý Mạo khuyên ngăn ông ta đừng giết Mã Tốc. Ông ta kiên quyết đòi giết Mã Tốc, còn có thái độ rõ ràng là sợ việc giết hại không thành. Thực sự thì mối quan hệ giữa Gia Cát Lượng với anh em Mã Lăng – Mã Tốc cũng là quan hệ nòng cốt của tập đoàn Kinh Sở, thân mật như anh em thường ngày, nếu ông ta quả thực vì yêu cầu của chính pháp mà đành phải ra tay giết Mã Tốc thì ông ta phải cảm kích những người khuyên ông ta không nên giết Mã Tốc mới phải. Nhưng thực tế ông ta không cảm kích gì những con người ấy mà thậm chí có thể nói là biểu lộ thái độ căm ghét và không ngần ngại tìm cách xử phạt:
“Mã Tốc đại bại ở trận tiền, Lượng đem giết bỏ, Mạo Cáp lấy lời “Tần tha Mạnh Minh, rồi dùng để quản Tây Nhung, Sở giết Tử Ngọc, hai đời sau không mạnh lên được ” thất ý Lượng, bị phạt” (Tam quốc chí, Thục thư…)
Điều này đã chứng tỏ vào lúc ấy ông ta rất cần Mã Tốc chết, nếu không đã không căm ghét những người khuyên ngăn đến mức ấy. Từ đó ta thấy ông ta kiên quyết giết Mã Tốc, khi phán quyết Mã Tốc tội tử hình lại “vì hắn mà đổ lệ”, sau khi Mã Tốc chết lại “tự giam mình, chăm sóc con Tốc như con”, không chỉ thể hiện mối thâm tình của mình với anh em họ Mã mà còn có nguyên nhân chính trị sâu xa, ngần ấy nguyên nhân khiến ông ta không giết Mã Tốc không xong nhưng vẫn lo sợ không giết được.
Trên thực tế, tội trạng thực sự có thể khiến Mã Tốc phải chết vẫn là việc Mã Tốc sợ tội đào tẩu. Nhưng kỳ lạ là, trong biểu chương Gia Cát Lượng thỉnh tội tự giáng chức thì không có lấy một chữ nào nhắc tới việc này, âu đấy cũng là cái cao tay của Gia Cát Lượng.
Vì Gia Cát Lượng lúc bấy giờ cần Mã Tốc gánh hết những trách nhiệm chủ yếu của cuộc Bắc phạt thất bại, nếu Mã Tốc vì sợ tội đào tẩu mà bị xử chết rõ ràng trong vụ thất bại kia thì trách nhiệm của Gia Cát Lượng lại càng phải lớn hơn nữa. Điều này so với những gì ông ta xin tự trừng phạt mình rõ ràng là đã giảm nhẹ đi quá nhiều, không đủ để làm yên sóng gió chính trị vì vụ này mà đang bùng lên căng thẳng bất lợi cho ông ta, vậy nên ông ta mới không nhắc tới việc ấy. Kết cục như vậy vẫn là ông ta thành công trong việc dựa vào cái chết của Mã Tốc để tạm thời hoá giải được những nguy cơ lần này đối với địa vị chủ đạo của bản thân ông ta cùng tập đoàn Kinh Sở trong chính quyền Thục Hán.
Những giọt nước mắt Gia Cát Lượng khóc Mã Tốc, tôi thấy hoàn toàn không giống gì những điều người ta vẫn ca tụng cho rằng Gia Cát Lượng chấp pháp nghiêm minh hơn cả Tôn Vũ, là bằng chứng cho thấy ông ta có phẩm cách đạo đức cao thượng. Ngược lại, nếu liên hệ với những sự việc ông ta dung túng, biến tướng ủng hộ Pháp Chính giết người tràn lan để xem xét thì lại cho thấy ông ta tự cao tự đại, là con cáo già về chính trị, là một quyền thần chỉ một tay che lấp cả bầu trời trên chính trường.
Gia Cát Lượng tuy hi sinh mạng Mã Tốc để tạm thời thoát được những nguy cơ về chính trị và quân sự nhưng ông ta không thu được thành quả quân sự nào, lại cũng chẳng củng cố được địa vị của mình về chính trị. Nghiêm trọng hơn, ông ta không những không chứng minh được năng lực quân sự của bản thân mà còn trao cho Lý Nghiêm, những đối thủ dày dặn chiến công quân sự, những lão tướng trong quân đội như Nguỵ Diên, Ngô Nhất một dịp ghi nhận gót chân Asin về khả năng quân sự của ông ta. Do vậy mục đích của lần Bắc phạt lần này của ông ta không đạt được, thậm chí về chính trị có thể nói đã hoàn toàn thất bại và bị thụt lùi một bước dài.
Thất bại đã được ghi tạc ấy khiến Gia Cát Lượng phải tiếp tục tiến hành Bắc phạt để thoát khỏi thế cục này, xuất phát từ cả nhu cầu phán đoán chiến lược chính quyền Thục Hán lẫn nhu cầu chính trị của bản thân ông ta. Bắc phạt tuy do Gia Cát Lượng chủ động khởi xướng nhưng thất bại Nhai Đình lại đã khởi động cỗ xe chiến tranh mà ông ta cũng không thể kìm nó lại được, khiến cho ông ta dù muốn hay không cũng phải theo đuổi nó. Nhưng cầm lái cỗ xe Bắc phạt này xông về phía trước đẩy số mạng chính trị sau này của mình gắn chặt vào Bắc phạt. Cốt lõi của vấn đề là ở chỗ ông ta thực quả là một tay lái cự phách, tuy cỗ xe Bắc phạt đã không thể ghìm dừng lại được nhưng ông ta vẫn có thể điều khiển phương hướng của nó. Nhờ đó nó khiến ông ta rốt cục tuy không thể thành công cũng vươn tới tột đỉnh huy hoàng trong cuộc đời.
Mùa đông năm đó, Bắc phạt lần 2 mở màn, quân Thục đã có thắng lợi bước đầu, nhưng do quân lương cạn kiện đành thoái lui trắng tay.
Năm sau, năm Kiến Hưng thứ 7, Bắc phạt lần 3 tiếp tục, Gia Cát Lượng điều đại tướng Trần Thức đánh Vũ Đô, Âm Bình của Nguỵ. Thứ sử Ung Châu của Nguỵ là Quách Hoài dẫn quân nghênh chiến, Gia Cát Lượng cho Kiến Uy ra đấu, Quách Hoài rút chạy, Lượng chiếm được Nhị quận. Bấy giờ, Hậu chủ ra chiếu phục chức Thừa tướng cho Gia Cát Lượng. Nhưng trong lần Bắc phạt này cũng vẫn không thấy bất cứ bóng dáng nào của Lý Nghiêm hay những nhân sĩ nòng cốt của tập đoàn Đông Châu và Ích Châu. Tôi tin rằng bọn Lý Nghiêm không thể không có ý kiến trong việc này.
Trong thời gian Gia Cát Lượng Bắc phạt, Lý Nghiêm cũng không ngồi rỗi, mà tích cực liên lạc ngầm với bộ tướng của Tào Nguỵ là Mạnh Đạt, nguyên là Long tướng nhà Thục. Trong một bức thư ông ta từng khuyến dụ Mạnh Đạt thé này: “Ta và Khổng Minh đều được ký thác, tình sâu nghĩa nặng, cách nghĩ gần gụi”. Từ đó có thể thấy, ông luôn ghi tạc trong lòng địa vị chính trị quan trọng của một đại thần được gửi gắm ngang hàng cùng Gia Cát Lượng, luôn lấy đó làm nhiệm vụ của mình và vô cùng coi trọng nó. Nhưng trước sau ba cuộc Bắc phạt quan trọng nhường ấy Gia Cát Lượng đều không có chút biểu hiện gì cho ông tham dự vào. Có thế khẳng định rằng điều đó khiến ông rất bất mãn, do vậy ngoài những biểu hiện lồ lộ như đòi “làm vương quận đất Ba Châu” ra còn có những cách khác để tỏ rõ sự phản kháng của mình đối với thái độ bài trừ của Gia Cát Lượng.
Theo Lê Cung Hoàng