Dù là một trong những trận đánh nổi tiếng nhất thời Tam Quốc nhưng địa điểm chính xác của nơi diễn ra trận Xích Bích vẫn là cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ.
Cả trong chính sử lẫn trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, trận Xích Bích đều được coi là một trong những trận đánh lớn nhất, có tính quyết định nhất cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc. Sở dĩ nói như vậy là vì trận đánh này đã góp phần tạo nên cục diện chia ba kinh điển thời Tam Quốc với 3 nước Tây Thục, Đông Ngô và Bắc Ngụy.
Năm 208, sau những thắng lợi ban đầu của Tào Tháo khi tiến đánh Kinh Châu, liên quân Thục – Ngô đã quyết định hợp sức chống lại Tào Tháo dưới sự chỉ huy của Chu Du. Nhờ những sai lầm của Tào Tháo mà trận Xích Bích đã kết thúc với chiến thắng quyết định của Thục – Ngô trước thế lực mạnh hơn gấp bội của Tào Tháo. Kể từ đây, Tào Tháo không còn có thể huy động một lực lượng thủy quân đông đảo để đánh xuống Trường Giang được nữa. Hai phe Lưu Bị và Tôn Quyền từ đây có thể tự do giành lấy phần đất ở Kinh Châu. Sau cùng là tạo điều kiện cho sự hình thành của hai nước Thục Hán và Đông Ngô.
Dẫu quan trọng là vậy nhưng vị trí chính xác của trận Xích Bích vẫn còn gây tranh cãi ngay trong cộng đồng các nhà sử học. Lý giải cho sự không thống nhất này có thể là do sông Trường Giang đã thay đổi dòng chảy trong thời nhà Tùy, nhà Đường và khiến nhiều vị trí địa lý không còn như trước nữa.
Theo dẫn chứng lịch sử thì vị trí diễn ra trận Xích Bích có thể nằm đâu đó ở bờ Nam Trường Giang vì quân bại trận của Tào Tháo rút về phía Bắc theo dọc con sông này. Một dẫn chứng khác để khoanh vùng chính là việc liên quân Tôn-Lưu đã ngược dòng Trường Giang từ Phàn Khẩu và Hán Khẩu nên Xích Bích phải nằm ở phía Tây Phàn Khẩu. Trước trận đánh, quân đội của Tào Tháo đã tiến từ Giang Lăng ở phía Tây vượt Ba Khâu để tới Xích Bích. Do đó, Xích Bích có thể nằm ở hạ lưu của địa điểm nay.
Tuy nhiên, cũng có học giả cho rằng Xích Bích nằm gần núi Xích Bích ở Hoàng Châu, hay còn gọi là ‘Xích Bích của Tô Đông Pha”, tên này có nguồn gốc từ hai bài Xích Bích phú của Tô Thức từ thế kỷ 11. Một địa điểm có khá nhiều bằng chứng lịch sử khác chính là thành phố Xích Bích, tên cũ là Phổ Kỳ. Nơi đây có một vách đá đề chữ Xích Bích màu đỏ được cho là có niên đại hơn 1.000 tuổi, tức là khoảng thời nhà Đường và nhà Tống.
Thậm chí, có nhận định còn cho rằng nơi diễn ra trận Xích Bích có thể ở Thành phố Vũ Hán (nằm ở phía Đông của Ô Lâm, thành phố Xích Bích và Gia Ngư tại hợp lưu của Trường Giang và Hán Thủy). Trận đánh này có thể đã diễn ra ở phí Tây Nam Vũ Xương, tức phần hợp lưu của con sông.
Dù tất cả những địa điểm chỉ là những suy đoán nhưng có thể khẳng định rằng Xích Bích là một trận đánh có thật và vô cùng quan trọng trong lịch sử. Kể từ trận Xích Bích, thế chân vạc thời Tam Quốc với 3 nước Bắc Ngụy – Tây Thục – Đông Ngô đã chính thức hình thành. Sự chia cắt Bắc – Nam thông qua con sông Trường Giang cũng chính thức bắt đầu và kéo dài đến hàng thế kỷ sau.