Có chút âu lo trước khi Việt Nam đá trận bán kết lượt về với Philippines tại Mỹ Đình. OK, Mỹ Đình do Trung Quốc xây. Có một thứ vô hình nào đó khiến ta thua nhiều hơn thắng. Không những thua mà còn thua sấp mặt, thua nhục nhã, thua còn để sẹo, như dằm trong tim.
Nhưng bỏ qua những yếu tố thuộc về lịch sử và tâm linh ấy, chúng ta phải hạ Philippines. Không chỉ hạ Philippines mà còn phải vô địch. Vào chung kết gặp Mã (Malaysia) hạ gục Mã, gặp trọng tài bụp luôn trọng tài!
Đầu năm, chúng ta là đệ nhị anh hào (Á quân giải U23 châu Á 2018), đệ tứ anh hào giữa năm (xếp thứ 4 tại ASIAD 2018), tất cả đều đáng nhớ cả, nhưng rồi sẽ trôi vào quên lãng. Chỉ có một chiếc Cúp, dù là Cúp ao làng AFF, mới là một dấu son, một cái ghim vào lịch sử. Để rồi 40 năm sau, chúng ta đầu bạc, ngồi lại nói cho con cháu nghe: “Hôm nay con đọc sách thấy nem Công, chả Phượng ư? Ngồi xuống, ông sẽ kể con nghe huyền thoại về Công Phượng. Cách đây 40 năm, khi Việt Nam còn chưa vô địch World Cup, chúng ta còn dự một cái giải gọi là AFF Cup…”
Kiểu kiểu thế…
Chúng ta phải vô địch, vì lứa cầu thủ này đẹp quá, vì HLV Park Hang-seo giỏi quá. Nhiều người nói sự cổ vũ thái quá của người hâm mộ sẽ tạo áp lực lên các cầu thủ. Không phải đâu! Ở Brazil, Đức, Tây Ban Nha, áp lực dành cho đội tuyển của họ cũng cực lớn. Và áp lực khiến cho cầu thủ xứ họ trưởng thành. Nếu cầu thủ không chịu được áp lực mà tan chảy, thì tác phẩm kinh điển của Nikolai Alekseyevich Ostrovsky có lẽ phải đổi tên thành “Thép đã… teo thế đấy”.
Đừng lo cho cầu thủ. Vì tự thân họ phải hiểu: Càng lên cao, gió càng lớn. Cầu thủ của chúng ta đã chạy trong cái lạnh cắt da của Thường Châu, đã đấu với những hàng phòng ngự đóng im ỉm ở ASIAD, đã từng bị trọng tài ép cho tan nát, bị lũ chấn thương quét đi biết bao trụ cột. Và họ vẫn tiến lên.
Công Phượng có thể buồn vì những bình luận ác ý, nhưng đó là một phần của công việc. Phượng đã sống trong những lời tung hô rực rỡ nhất, đã kiếm bộn tiền từ quảng cáo, đã đi vào truyện tranh, đã là đề tài bàn luận của hàng chục triệu người trên dải đất hình chữ S, thì anh cũng phải chấp nhận việc bị chỉ trích. Raheem Sterling xăm mình thôi cũng bị báo chí Anh xuyên tạc chửi bới, vậy mà anh ta vẫn đá hay đó thôi.
Trên cái sân Panaad heo hút, trên khán đài màu đỏ đông hơn màu trắng, hàng nghìn người hy sinh cuối tuần để sang Philippines cổ vũ, la hét khản cổ, xong trận chả kịp ăn uống lên máy bay đi về để thứ Hai còn đi làm. Mệt mỏi rã rời lên máy bay còn la làng “Việt Nam vô địch”. Ở Việt Nam, dân tình đi bão tới khuya. Công nhận có hơi lố thật, nhưng mà lố dễ thương. Một đất nước thiếu niềm vui, vậy khi đã vui hà cớ gì mà dè sẻn. Hôm nay họ vui, vì họ đã buồn như thế nào hai năm trước, bốn năm trước, có ai biết không?
Ở Philippines, người ta phải thuê hoạt náo viên vào sân để cổ vũ, kẻo mất mặt chủ nhà. Có ai biết ông Eriksson lẫy lừng từng cầm Lazio và đội tuyển Anh là ai đâu. Thái Lan họ vô địch chán chê rồi. Bạn tôi ở Bangkok nói người Thái thờ ơ với AFF Cup vô cùng, giờ chỉ rậm rực đi mua đồ Giáng sinh.
Chỉ có Việt Nam ta, lên mạng đọc tất cả mọi thông tin về cầu thủ, cosplay thành đủ thứ nhân vật để cổ vũ đội tuyển, phóng viên theo đội sơ sơ gần năm chục người. Tình yêu đó, dù là yêu thái quá, chẳng phải đáng quý lắm sao. Có biết bao nhiêu đội tuyển thể thao ở Việt Nam này ước mơ một lần được sống trong cái áp lực ấy, được tất thảy dõi theo như thế?
Nên thôi, bỏ qua những cãi nhau như mổ bò ở trên mạng, bỏ qua nạn phe vé đã hét tới 10 triệu/cặp, bỏ qua luôn những lời gièm pha về cách làm việc gây tranh luận của VFF. Các anh phải vô địch AFF Cup thôi, như một đóa hoa sen nở giữa đầm lầy, chức vô địch sẽ cho người hâm mộ niềm tin vào một nền bóng đá đầy rẫy tiêu cực, bị quản lý kém khoa học và được nuôi bởi bầu sữa của những ông bầu sớm nắng chiều mưa.