Hãy tạm quên đi 7 kỳ quan thế giới để đến với kỳ quan của làng túc cầu qua những sân bóng mà tất cả sẽ không bao giờ ngờ đến.
1. Sân nhà của đội bóng Tatran Cierny Balog
Thông thường, ngồi trên khán đài sân bóng sẽ giúp mọi người có góc nhìn tốt nhất với trận đấu. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng với các fan của CLB Tatran Cierny Balog. Đây là một đội bóng nhỏ của Slovakia.
Điều làm đội bóng này trở nên đặc biệt chính là sân bóng của họ. Ở phần khán đài chính của sân, có một đường ray tàu hỏa đi qua. Điều đó đồng nghĩa với việc những đoàn tàu thường xuyên đi qua sân bóng này. Đây có lẽ là hình ảnh có một không hai của các trận bóng đá.
2. Estadio Hernando Siles
Đây là sân vận động quốc gia của Bolivia. Sân vận động này từ lâu nổi tiếng là nơi không hề dễ dàng cho bất kì vị khách nào. Lí do là bởi nó nằm ở độ cao 3.637 mét so với mực nước biển. Vì thế nên không khí ở đây rất loãng, gây khó khăn cho việc hô hấp bình thường chứ đừng nói tới đá bóng.
Nạn nhân nổi tiếng nhất của sân bóng khắc nghiệt này chính là Lionel Messi. El Pulga từng phải nôn mửa khi thi đấu tại đây ở vòng loại World Cup vào năm 2013. Neymar cũng từng đăng ảnh ĐTQG Brazil phải thở bình oxy khi thi đấu tại đây.
3. Stadion Vozdovac
Nhìn lướt qua, sân nhà của CLB FK Vozdovac Belgrad không có gì đặc biệt. Nhưng quan sát kĩ hơn sẽ thấy nó nằm trên nóc một trung tâm mua sắm. Được xây dựng vào năm 2012, có một siêu thị, một cửa hàng McDonald’s, một cửa hàng KFC ở dưới sân vận động này. Mặc dù vậy, sân bóng này vẫn đủ tiêu chuẩn để đội bóng tham dự các cúp châu Âu.
4. Estadio Municipal de Braga
Đây là sân nhà của câu lạc bộ Braga thuộc Bồ Đào Nha. Nó được tạo nên từ mỏ đá Monte Castro trước thềm Euro 2004. Bởi vậy, sân vận động này cũng nằm cheo leo trên một vách đá. Một điều đặc biệt khác là hai khán đài ở đây được nối với nhau bằng những dây thép căng ngang sân. Mỗi khán đài có sức chứa 15.000 cổ động viên.
5. Igraliste Batarija
Đội bóng HNK Trogir của Croatia sở hữu sân nhà rất đặc biệt. Nó nằm giữa 2 di sản thế giới của UNESCO. Đó là tòa tháp St. Marco và lâu đài Kamerlengo. Mỗi di sản ấy nằm phía sau một bên khung thành. Đây chính là một pháo đài được xây dựng vào thế kỉ thứ 15.
6. The Float
Người Singapore luôn thích làm những thứ đặc biệt và sân bóng này là một ví dụ điển hình. Nó được mở cửa vào năm 2007 và trở thành sân khấu nổi lớn nhất thế giới. Đi kèm với đó là một khán đài với sức chứa lên đến 30.000 người. Trên thực tế, The Float chỉ được dùng để tổ chức các trận đấu nghiệp dư hoặc các buổi hòa nhạc.
7. Ottmar Hitzfeld Gspon Arena
Đây chính là sân bóng đá có vị trí cao nhất thế giới. Nó là nơi chơi bóng của đội bóng không chuyên FC Gspon. Đến với sân bóng này, CĐV có thể tận hưởng phong cảnh đồng quê của vùng núi Thụy Sĩ. Nhưng để đi tới đây là cả một vấn đề. Nó quá cao để có thể đi bằng ô tô. Thay vào đó mọi người phải đi tới gần ngôi làng Stalden và di chuyển lên bằng cáp treo.
ST.