Có thể thấy rằng không phải tự nhiên một số ít anh hùng, hào kiệt trong Tam Quốc đều có biệt hiệu riêng. Bởi họ đều là những nhân vật có tài năng xuất chúng đặc biệt như 4 người mang biệt danh hổ này.
Thời Tam Quốc, thiên hạ đại loạn. Để có thể vươn lên xưng bá trong thiên hạ quả không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, thời thế xuất anh hùng. Tam Quốc tuy hỗn loạn nhưng lại là thời kỳ nở rộ của nhiều anh hùng, hào kiệt, mưu sĩ tài giỏi. Thậm chí có những nhân tài nổi danh, từng được người đời xưng tụng với nhiều biệt hiệu độc đáo.
“Ngoạ Long, Phượng Sồ, có được một trong hai người đó thì có thể an định được thiên hạ”. Đây là đánh giá của Thuỷ Kính tiên sinh về Gia Cát Lượng và Bàng Thống. Cả hai đều là những mưu sĩ kỳ tài trong Tam Quốc.
Có thể thấy rằng không phải tự nhiên một số ít anh hùng, hào kiệt trong Tam Quốc đều có biệt hiệu riêng. Bởi họ đều là những nhân vật có tài năng xuất chúng đặc biệt.
Nếu như biệt hiệu của Gia Cát Lượng, Bàng Thống lần lượt là Ngoạ Long và Phượng Sồ, thì trong Tam Quốc còn có 4 người có biệt danh vô cùng dũng mãnh của loài hổ. Họ là những ai?
1. “Mãnh hổ Giang Đông” – Tôn Kiên
Tôn Kiên là vị tướng tài giỏi, dũng mãnh cương nghị trên chiến trường Tam Quốc.
“Mãnh hổ Giang Đông” là biệt hiệu của Tôn Kiên, cha của Tôn Quyền. Theo Tam Quốc chí, Tôn Kiên là hậu duệ của danh tướng Tôn Vũ thời Xuân Thu và có nhiều đời làm quan. Tôn Kiên chính là người đặt nền móng quan trọng để xây dựng Đông Ngô thời Tam Quốc. Ông cũng chính là tướng nhà Đông Hán từng tham gia vào cuộc chiến chống Đổng Trác.
Tôn Kiên là một tướng tài, dũng mãnh, có tính tình khoáng đạt và thích kết giao với các hào kiệt trong thiên hạ. Trong liên minh 18 lộ chư hầu chống Đổng Trác, bản thân Tôn Kiên là tướng tiên phong và quân đội của ông được coi là có sức chiến đấu mạnh nhất.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, trảm Hoa Hùng là chiến tích đầu tay của Quan Vũ, Tuy nhiên, theo ghi chép lịch sử, Hoa Hùng chỉ là một bộ tướng của Hồ Chẩn. Sau khi Tôn Kiên mang quân ra đuổi đánh khiến Hồ Chẩn chịu thất bại nặng nề, bộ tướng của Hồ Chẩn là Hoa Hùng bị chém chết.
Tôn Kiên cũng chính là người tiên phong trong việc tấn công Lạc Dương. Vì sự dũng mãnh của mình, Tôn Kiến không chỉ khiến Đổng Trác khiếp sợ mà còn làm cho anh em Viên Thiệu phải ghen tức. Tôn Kiên không chỉ dũng mãnh cương nghị mà còn trung thành với nhà Hán. Trước khi Tôn Kiên tiếp quản Lạc Dương, quyền thần Đổng Trác đã đốt phá kinh thành, hoàng đế Hán Thiếu Đế bỏ chạy, cung điện hỗn loạn. Do đó, khi Tôn Kiên tiến vào Lạc Dương, nơi đây chỉ là đống hoang tàn. Sau đó, Tôn Kiên đã ra lệnh cho quân sĩ tiến hành quét dọn tông miếu của nhà Hán và cúng tế.
Đáng tiếc, khi đang trên đường trở về Giang Đông, Tôn Kiên lại gặp mai phục của quân Lưu Biểu. Do quá khinh suất khi mang theo ít kỵ binh đuổi theo quân của Lưu Biểu, Tôn Kiên không may bị trúng tên mai phục và tử trận. Khi đó Tôn Kiên chỉ mới 37 tuổi. Đây quả là điều đáng tiếc.
2. “Hồ dại” – Hứa Chử, mãnh tướng của Tào Tháo
Hứa Chử có biệt hiệu là “Hổ dại”, vô cùng dũng mãnh và thiện chiến.
Hứa Chử có biệt danh là “Hổ dại” do nổi danh có sức mạnh phi thường. Ông là một trong những mãnh tướng mạnh nhất của Tào Tháo. Cùng với Điển vi, Hứa Chử là tướng cận vệ được Tào Tháo hết lòng tin tưởng và sẵn sàng giao trọn tính mạng. Hứa Chử vô cùng dũng mãnh, có khả năng chiến đấu khiến quân địch khiếp sợ. Trong cuộc đời của mình, Hứa Chử từng nhiều lần cứu sống Tào Tháo thoát khỏi tình thế nguy hiểm.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Hứa Chử từng có lần khiêu chiến với Mã Siêu, mãnh tướng Tây Lương, người sau này là một “hổ tướng” của Lưu Bị. Hứa Chử giao chiến kịch liệt với Mã Siêu hơn 200 hiệp mà vẫn chưa phân thắng bại. Thậm chí Mã siêu còn cởi áo giáp tiếp chiến thêm mấy chục hiệp nữa mà vẫn chưa rõ thắng bại.
Sau cùng, Tào Tháo cho 2 tướng khác ra tiếp chiến, cuộc giao đấu giữa Mã Siêu và Hứa Chử đành dang dở mà vẫn chưa phân định được ai thắng, ai thua. Sau trận chiến này, Mã Siêu có nói với Hàn Toại rằng chưa thấy ai đánh nhau dữ dội như Hứa Chử, quả là “Hổ dại”.
3. “Triệu Hổ” – mãnh tướng danh bất hư truyền
Trương Liêu là mãnh tướng vang danh Tam Quốc khi từng suýt bắt sống Tôn Quyền.
Trương Liêu có biệt hiệu là “Triệu Hổ”, ông là một trong những “Ngũ tử lương tướng” của Tào Nguỵ. Trương Liêu ban đầu là tướng dưới trướng của Lã Bố. Tuy nhiên, sau khi Lã Bố bị giết chết ở Hạ Bì, Trương Liêu đã đầu hàng Tào Tháo.
Trong số các binh hùng, tướng mạnh của Tào Tháo, Trương Liêu được coi là một trong những mãnh tướng giỏi nhất từng tham gia vào nhiều trận đánh lớn và giành được không ít chiến công, giúp sức nhiều cho quá trình bình định phương Bắc rộng lớn của Tào Tháo.
Trong số các chiến công, Trương Liêu nổi tiếng nhất qua trận Hợp Phì với quân Đông Ngô. Trong trận chiến này, Trương Liêu chỉ với 800 dũng sĩ nhưng đã đánh tan được đại quân 10.000 người của Đông Ngô, đặc biệt thậm chí còn suýt bắt sống được Tôn Quyền, quân chủ của Đông Ngô.
Với chiến tích vang danh khắp Tam Quốc này, Tam Quốc diễn nghĩa thậm chí còn mô tả sự dũng mãnh của Trương Liêu, khả năng lấy ít địch nhiều khiến cho quân Ngô đại bại, đã làm kinh động người dân Đông Ngô. Thậm chí, trẻ con ở Đông Ngô nghe nhắc tên Trương Liêu thì ban đêm không dám khóc.
Sau này, Tào Phi, con trai Tào Tháo, còn gọi Trương Liêu là “Triệu Hổ”, càng cho thấy sự sủng ái và quý trọng dành cho danh tướng này.
4. “Chủng Hổ” – Tư Mã Ý
Tư Mã Ý không phải là mãnh tướng nhưng lại là “át chủ bài”, người thắng cuộc trong cuộc chiến vương quyền thời Tam Quốc.
Tư Mã Ý có biệt hiệu là “Chủng Hổ”. Từ “Chủng” ở đây có nghĩa là mồ mả, ngôi mộ. “Chủng Hổ” có nghĩa là con hổ nằm trong mộ. Biệt hiệu này cho thấy sự hung ác và nham hiểm. Tư Mã Ý được coi là một trong những mưu sĩ giỏi nhất trong Tam Quốc. Phục vụ ba đời Tào gia, Tư Mã Ý có tài mưu lược, cả đời ẩn nhẫn chờ thời để làm nên nghiệp lớn sau này.
Trong chiến dịch Bắc phạt của Gia Cát Lượng, Tào Chân và Tư Mã Ý đã nhiều lần đánh bại các cuộc tấn công của quân Thục. Đến năm 249, ở tuổi 70, Tư Mã Ý thực hiện một cuộc đảo chính ngoạn mục, thành công nắm đại quyền của nhà Tào Nguỵ trong tay, biến hoàng đế của Tào Nguỵ chỉ còn trên danh nghĩa. Sử gọi là Sự biến lăng Cao Bình.
Cuộc chuyển giao quyền lực này do Tư Mã Ý phát động đã đặt nền tảng quan trọng cho con cháu sau này lập nên nhà Tấn, thống nhất Tam Quốc. Ba thế lực Tào Nguỵ, Thục Hán và Đông Ngô binh biến suốt mấy chục năm, tuy nhiên, người chiến thắng cuối cùng lại là gia tộc Tư Mã, trong đó có công lao rất lớn của “Chủng Hổ” Tư Mã Ý.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu
Theo Dân Việt