Trong thời kỳ tam quốc, Dương Tu là một trong những quân sư đại tài của Tào Tháo, ông là một người thông minh xuất chúng và được Tào Tháo trọng dụng. Thế nhưng, như tôi đã khẳng định, Dương Tu là một kẻ đáng chết, câu chuyện về cái chết của Dương Tu đã trở thành một bài học đắt giá cho hậu sinh.
Tôi xin kể vài câu chuyện về sự thông minh và tài năng của Dương Tu, qua đó bạn có thể hiểu được vì sao Dương Tu lại đáng chết.
Trong một lần đi thăm vườn đào trong phủ mới được xây dựng, Tào Tháo đi một vòng ngắm ngắm nghía nghía, không nói một lời nào, ra đến cửa ông bèn viết lên cánh cửa chữ Sống (hán tự : 活) rồi ra về. Không ai trong đám hầu hạ của Tào Tháo hiểu ý ông ta muốn gì, duy chỉ có Dương Tu là hiểu được điều này, ông liền cho người đập cánh cửa đi rồi xây cho rộng ra tí nữa. Dương Tu giải thích cho các đại thần : Chữ Sống (活) mà viết bên trong “Cánh cửa” (cửa trong Hán tự là 門) sẽ thành chữ Rộng (闊), ý Tào muốn làm rộng cánh cửa ra. Tào Tháo nghe được điều này thì tỏ vẻ rất hài lòng nhưng trong bụng thì hơi ấm ức vì có kẻ hiểu được mình.
Một lần khác, có người đem tới tặng cho Tào Tháo một hộp bánh, Tào ăn thử một miếng, khen ngon rồi viết lên trên hộp bánh chữ “一 合 酥” nghĩa là “một hộp bánh“, Dương Tu thấy thế đem bánh ra chia cho lính mỗi người một miếng ăn chơi. Tào Tháo biết thế tức lắm, nhưng vì quý trọng người tài nên hậm hực hỏi Dương Tu sao lại làm vậy? Dương Tu trả lời : “Ôi Chủ Công của tôi ! Ngài viết lên trên hộp bánh là “mỗi người một miếng”, tôi làm sao dám trái lệnh?“. Lý do là trong tiếng Hán, chữ “一 合 酥” có thể tách thành “一人一口酥” (bỏ cái mũ của chữ 合 xuống thành chữ 人 và chữ 一) có nghĩa là “mỗi người một miếng“. Lúc này Tào đã bắt đầu cảnh giác với Dương Tu.
Trong một lần Tào Tháo và Dương Tu cưỡi ngựa vừa đi vừa đàm đạo, khi đi ngang qua một ngôi mộ, Tào trông thấy trên bia mộ có khắc bốn chữ mà đọc rất khó hiểu, đó là : 黄 绢 (vải màu vàng), 幼 妇 (thiếu nữ), 外孙 (đứa cháu trai), 齑臼 (vữa thoa). Ông liền hỏi Dương Tu có hiểu không, Dương Tu hiểu và định giải thích cho Tào nhưng Tào liền chặn họng Dương Tu lại rồi bảo “hãy để ta suy nghĩ thêm một lúc nữa khi nào ta hiểu rồi chúng ta sẽ so sánh câu trả lời”. Sau khi 2 người cưỡi ngựa được 30 dặm, Tào Tháo lúc này đã hiểu được ẩn nghĩa của 4 từ đó và bảo Dương Tu hãy giải thích theo cách Dương Tu hiểu xem Tào có hiểu giống vậy không? Dương Tu bắt đầu giải thích : 黄 绢 có từ đồng nghĩa là 色 丝 đều có nghĩa là “vải màu”, nếu ta ghép chữ 丝 (lụa) vào chữ 色 (màu) ta sẽ được chữ 绝 nghĩa là “thuần túy”. Chữ 幼 妇 có từ đồng nghĩa là 少 女 nghĩa là “thiếu nữ”, nếu ta ghép chữ 女 (phụ nữ) vào chữ 少 (trẻ) ta sẽ được chữ 妙 nghĩa là “phi thường”. Chữ 外孙 có cùng nghĩa với 女儿的儿子 nghĩa là “cháu trai”. Nếu ta ghép chữ 女 với chữ 子 ta sẽ được chữ 好 nghĩa là “tốt lành”. Chữ 齑臼 về cơ bản nó giống nghĩa của chữ 受五辛之器, nếu ta ghép chữ 受 vào chữ 辛 ta sẽ được chữ 辤 nghĩa là “thanh tao”. Ghép 4 chữ ấy ta được 绝妙好辞, nghĩa là Thuần túy, Phi thường, Tốt đẹp và Thanh Tao, 4 chữ này ý ca ngợi con người của người này. Nghe đến đây, Tào Tháo đã phải thốt lên “ba mươi dặm còn thông minh hơn ta !”
Thêm một câu chuyện nữa nói lên sự thông minh sắc bén của Dương Tu, và câu chuyện cuối này cũng là câu chuyện khép lại cuộc đời của Dương Tu. Lúc bấy giờ, Tào Tháo thấy Dương Tu quá thông minh nhưng lại ngạo nghễ, năm lần bảy lượt làm cho Tào phải “đứng hình” vì cách ứng xử, ông cảm thấy đây là kẻ không dùng được nên bắt đầu tìm cách để thanh trừng. Trong một lần đem quân đi đánh Lưu Bị, quân của Tào Tháo đánh suốt nhiều ngày nhưng vẫn chưa thắng nổi, phải đóng trại cố thủ. Bấy giờ, Tào Tháo đã quá chán nản nên rất muốn rút quân nhưng lại sợ mất mặt với quân lính. Trong đêm đấy, Hạ Hầu Đôn vào trại xin khẩu lệnh cho doanh trại, Tào Tháo trầm ngâm một lúc rồi nói “gân gà”, Hạ Hầu Đôn ra ban khẩu lệnh cho toàn doanh trại, và như nhiều lần trước, chẳng ai hiểu khẩu lệnh này có thâm ý gì? Một lần nữa Dương Tu chứng tỏ được sự xuất chúng của ông, ông nói các tướng lĩnh và Hạ Hầu Đôn mau gói ghém đồ đạc chuẩn bị rút quân. Dương Tu giải thích cho các tướng lĩnh : Gân gà, ăn thì không được mà bỏ đi thì tiếc quá ! Ý của Chủ Công muốn nói trận đánh này cũng giống như miếng gân gà vậy, tiến thì không được mà lui thì tiếc vì cơ hội ngàn năm có một, thôi thì ăn không được đành phải nhả đi chứ nhai chi cho mỏi miệng?
Và đêm đó, cũng là cái kết của Dương Tu khi Tào Tháo ghép cho Dương Tu tội “tuyên truyền làm nản lòng quân”, xử chém đầu. Một kết thúc máu me dành cho một quân sư tài ba.
Vậy, qua các câu chuyện dài ngoằng kia, ý tôi muốn nói là gì? Phàm sống ở trên đời, khôn quá cũng chết mà dại quá cũng chết.
“Khôn cũng chết, dại cũng chết” vậy thì thế nào mới sống được? Tôi xin trả lời là Biết, biết mới sống được, phải biết người biết ta, biết cách hành xử cho đúng, biết lúc nào cần phải khôn, lúc nào cần phải ngu. Phận làm tôi mà lúc nào cũng tỏ vẻ khôn hơn chủ thì không chết sao được.
Tư Mã Ý có nói : “Người thông minh không bao giờ cho người khác biết mình thông minh”, thật quá đúng. Người thông minh thì phải biết giấu cái sự thông minh của mình đi, và chỉ sử dụng khi thật cần thiết. Tôi vẫn thường hay nói đùa với lũ bạn : Tao không sợ mấy thằng ngu mà tỏ ra nguy hiểm, tao chỉ sợ bọn nguy hiểm cực kì nhưng lúc nào cũng tỏ vẻ mình ngu dốt !
Hãy sử dụng sự thông minh của mình như sử dụng một con dao vậy, để phát huy tác dụng của con dao thì phải cầm cán dao, đừng cầm lưỡi dao để rồi ôm hận !
Lúc nào cũng tỏ ra mình thông minh hơn người thì chỉ có đem về tai họa mà thôi, như đại thi hào Nguyễn Du đã từng khẳng định :
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Nhưng theo quan điểm cá nhân của tôi, thì chữ tài chỉ cùng một vần với chữ tai khi người tài mà không biết cách sử dụng cái tài của mình thôi ! Con người ta ai cũng thế, khi thấy có người giỏi hơn mình ở một lãnh vực mà mình đã rất tự tin, thì ôi thôi, chúng ta đâm ra ganh tị với họ. Mà cũng phải thôi, không ganh sao được ! Nhờ có sự ganh tị đó mà chúng ta mới biết phấn đấu, mới thúc đẩy xã hội đi lên khi cố gắng làm tốt hơn họ. Nhưng ngặt nỗi, đâu phải ai cũng ráng phấn đấu để hơn người, có những kẻ ganh tị vì người khác hơn mình, nhưng lại không thích phấn đấu để hơn họ mà thay vào đó là tìm cách vùi dập, đạp đổ, đè bẹp họ xuống để rồi mình lại lên, mình lại là nhất ! Đó chính là những kẻ mà ta cần cảnh giác khi sử dụng tài năng của mình.
Giấu cái khôn của mình đi, hãy để cho nó phát huy tác dụng đúng lúc !