Trong Tam quốc diễn nghĩa Tào Tháo và Gia Cát Lượng là hai nhân vật chính đối lập nhau, một là người đặt nền móng hình thành nhà Tào Ngụy, một là thừa tướng của nhà Thục Hán.
Tam quốc diễn nghĩa nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam quốc (190–280) với 120 chương hồi, theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu). Tiểu thuyết này được xem là một trong Tứ đại danh tác của văn học Trung Hoa.
La Quán Trung đề cao nhà Thục Hán và Lưu Bị
Một trong những thành công lớn nhất của Tam quốc diễn nghĩa là tính chất quy mô, hoành tráng của cốt truyện và nhân vật. Bộ tiểu thuyết này có thể chia thành rất nhiều “truyện nhỏ” mà đa phần trong số đó có thể hoàn toàn dựng được thành những bộ phim truyện theo đúng nghĩa.
Tam quốc diễn nghĩa là câu chuyện gần một trăm năm, sự việc nhiều nhưng không rối, đó là do ngòi bút có khuynh hướng rõ ràng của La Quán Trung. Tác giả đứng về phía Thục Hán, lên án Tào Ngụy, còn Tôn Ngô chỉ là lực lượng trung gian. Ông dùng lịch sử của ba quốc gia thời Tam quốc để diễn giải về “nghĩa” (tư tưởng chính nghĩa) của con người, lấy đó làm chủ đề chính.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung xây dựng Lưu Bị là nhân vật chính diện, có lòng nhân từ bác ái, thương dân như con của một vị vua hiền (tuyệt nhân là Lưu Bị). Vì vậy, tiểu thuyết hư cấu khá nhiều tình tiết về ông so với ngoài đời thật. Nhân vật Gia Cát Lượng được mô tả là một vị thừa tướng tài đức song toàn với tài năng “xuất q.u.ỷ nhập thần”, là biểu tượng của lòng trung nghĩa và trí tuệ anh minh (tuyệt trí là Khổng Minh). Nhân vật Tào Tháo được mô tả có những cá tính khá nổi bật: gian xảo, đa nghi, tàn bạo nhưng cũng rất thông minh, nhiều mưu mẹo quyền biến. La Quán Trung không ủng hộ Tào Tháo, coi ông là “g.i.ặ.c nhà Hán” (tuyệt gian là Tào Tháo).
Từ đó, người đời thường cho rằng Tào Tháo đa nghi, h.u.n.g á.c. Tuy nhiên, trên thực tế ông là người vô cùng nhẫn nại, lại có lòng biệt đãi nhân tài. Ngoài hùng tài văn võ, điều binh khiển tướng, sự quý mến hiền tài và đức nhẫn chính là những yếu tố giúp ông dựng thành đại nghiệp, thống nhất cả một miền bắc Trung Hoa rộng lớn.
Người đời thường cho rằng Tào Tháo đa nghi, h.u.n.g á.c.
Theo ghi chép trong sử sách, Tào Tháo từng viết cho Gia Cát Lượng một bức thư, trong đó vẻn vẹn chỉ có 11 chữ, nhưng hàm chứa ý tứ thâm sâu.
Cụ thể, sau khi Lưu Bị tấn công giành được Ích Châu và Hán Trung, Tào Tháo đã viết thư cho Gia Cát Lượng. Theo Ngụy Võ Đế tập và Gia Cát Lượng thư, trong thư chỉ vẻn vẹn có 11 chữ: “Kim phụng kê thiệt hương ngũ cân, dĩ biểu vi ý”, ý nói dâng tặng 5 cân kê thiệt hương, lấy những thứ bề mặt này mà bày tỏ tâm ý.
Được biết, Kê thiệt hương chính là Đinh hương, là một loại hương liệu rất đắt thời đó. Đinh hương có tác dụng chống phân hủy, sát khuẩn, chữa bỏng và đau răng. Trong lịch sử, Ấn Độ là nước duy nhất sản xuất đinh hương. Đinh hương sử dụng ở Trung Quốc, châu Âu, Trung Đông đều có nguồn gốc từ Ấn Độ. Vì thế thời cổ đại Trung Quốc, Đinh hương được coi là thứ quý như vàng.
Có người cho rằng, việc Tào Tháo tặng Kê thiệt hương cho Gia Cát Lượng là muốn biểu thị thiện chí với ông, muốn ông về cùng phe với mình. Vì Kê thiệt hương có liên quan tới Hán Quan, trong Hán Quan nghị có ghi: “Thượng thư lang hàm kê thiệt hương, khuyển kỳ hạ tấu sự”. Ý nói, Thượng thư khi bẩm tấu với hoàng đế đều phải ngậm Kê thiệt hương trong miệng.
Khi đó, Tào Tháo đang lấy danh nghĩa Thiên tử để kêu gọi chư hầu, danh nghĩa thì là người của triều đình Đông Hán, nên mục đích của ông là thu phục Gia Cát Lượng về làm việc cho mình.
Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc. Tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung đưa ra quan điểm phê phán Tào Tháo nhưng cũng có những người không ngớt lời khen. Danh thần Đông Hán Kiều Huyền nói với Tào: “Thiên hạ sắp đại loạn, chỉ có bậc nhân tài kiệt xuất mới có thể đứng ra giải cứu thiên hạ. Lẽ nào người đó chính là các hạ?”.
Gia Cát Lượng (181 – 234) tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, và cũng là một nhà phát minh của nhà Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Gia Cát Lượng làm tới chức Thừa tướng nhà Thục Hán và là một trong số những người hình thành nên thế chân vạc giữa nhà Thục Hán, Đông Ngô và Tào Ngụy trong suốt 60 năm. Ông cũng là nhân vật rất quan trọng trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
Quốc Tiệp (t/h)