Ở thời kỳ Tam Quốc thì đây là nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất, khiến Tào Tháo phải dè chừng vài phần.
“Trương Lương của ta đến rồi!”
Công nguyên năm 212, Thượng thư lệnh Tuân Úc biết bản thân đã tận mệnh, ông đã đem hết mật hàm, thư tín bí mật của mình đi đốt hết. Cho nên về sau, không ai có thể biết được Tuân Úc bấy giờ đã bày ra những kế sách mưu lược thần kì gì, ông chỉ lưu lại cho đời sau một bóng hình vừa mơ hồ lại làm lay động lòng người.
(Trong “Tam Quốc chí” có ghi: Tuân Úc lúc cuối đời, đem thư mật, ghi chép đều đốt hết, vì thế những kế sách mưu lược cơ mật ấy không ai tận mắt trông thấy).
Dù rằng lịch sử lạnh lùng vô tình như sắt thép, nhưng người ghi lại lịch sử lại là con người bình thường có m.á.u thịt. Tuân Úc dù có thể đốt tất cả “Tam quốc cơ mật” của bản thân nhưng cũng khó có thể xóa đi hết mọi dấu vết, có nghĩa là “giang hồ” trong lịch sử vẫn sẽ lưu lại những “truyền thuyết” truyền miệng về ông.
Công nguyên năm 191, việc “mười tám lộ chư hầu thảo phạt Đổng Trác” nổi tiếng khắp nơi, bởi vì các chư hầu đều có mưu tính riêng trong lòng nên sớm đã phân chia, tan rã. Tào Tháo khi ấy muộn phiền không dứt, bởi vì lần này xuất chiến, ông cùng Tôn Kiên chính là kẻ liều lĩnh ngu ngốc nhất.
Đặc biệt là Tào Tháo, vì truy kích Đổng Trác – kẻ đang giam cầm Hán Hiến Đế, khiến Tào Tháo gặp phải phục kích của Từ Dung – thuộc hạ của Đổng Trác.
Binh lính dưới tay Tào Tháo khi ấy tuy có thể tạm đánh được với quân Khăn Vàng nhưng nay gặp phải thiết mã Tây Lương thì làm sao có thể chống đỡ nổi? Bởi thế nên bị đánh đến mức gần như toàn quân bị diệt. Nếu không có Tào Hồng nhường ngựa cho, đi theo bảo vệ ông thì Tào Tháo khi ấy cũng đã mất luôn cái mạng.
May mắn là, Tào Tháo được Viên Thiệu giúp đỡ. Lại thêm bản thân ông cùng họ Tào và họ Hạ Hầu chiêu binh mãi mã, kết quả cũng coi như lại có được quân đội của riêng mình, đủ để đi đánh sơn tặc, phá Hung Nô cũng được.
Vì thế sau vài trận chiến, Viên Thiệu để Tào Tháo làm Thái thú Đông quận, coi như để Tào Tháo có địa bàn cho riêng mình.
Nhưng tiếp đến sẽ ra sao? Bản thân Tào Tháo cũng không biết, chẳng lẽ cam lòng mãi mãi dưới trướng làm tiểu đệ của Viên Thiệu hay sao?
Bởi vì chuyện này nên Tào Tháo vô cùng muộn phiền. Mặc dù thời kỳ đó bất kể ai, cứ có sức mạnh thì chính là kẻ đứng đầu một phương, nhưng Tào Tháo vẫn luôn tự hào mình là trung thần nhà Hán, cái ông muốn là khi chết đi trên bia mộ sẽ ghi tên ông là ” Hán địch Chinh Tây Tướng quân Tào hầu”, chứ nào muốn đeo danh “thảo khấu, giặc cỏ”?
Chính vào lúc này, có người đến trình báo, Tuân Úc đến đầu quân! Tào Tháo vô cùng vui mừng, vội vã triệu gặp, sau khi trò chuyện với ông, Tào Tháo vui vẻ hô lớn: “Trương Lương của ta đến rồi!”
Vì sao Tuân Úc chọn Tào Tháo?
Tuân Úc là người Dĩnh Xuyên, thời niên thiếu đã được ca ngợi là người có tài phò trợ vua. Tuân Úc vốn là thuộc hạ dưới trướng Viên Thiệu, vậy tại sao ông lại đột ngột rời bỏ thế lực Tứ thế Tam công hùng mạnh như Viên Thiệu để đến gia nhập với thế lực yếu ớt, lại có “xuất thân thấp kém, con cháu của hoạn quan” như Tào Tháo?
Tuy rằng đến nay vẫn không có ai thực sự hiểu được mục đích của Tuân Úc, song từ những chuyện về sau của Tuân Úc, có thể suy ngược lại được nguyên nhân bao gồm hai lý do chính là:
Thứ nhất, Tuân Úc tuy xuất thân là sĩ tộc Dĩnh Xuyên, nhưng lại lấy con gái của Trung thường thị Đường Hoành làm vợ. Đây lại là thời đại mà hoạn quan cùng danh sĩ bất hòa, mâu thuẫn, quan hệ như nước với lửa, việc ông làm chắc chắn sẽ chịu sự khinh bỉ từ những kẻ xuất thân môn phiệt và dòng họ danh giá.
Còn Viên Thiệu lại chính là người tiêu biểu cho sĩ tộc môn phiệt, chính bởi thế nên Tuân Úc cho dù được Viên Thiệu đối xử hậu hĩnh nhưng chắc chắn không được trọng dụng.
Tào Tháo cũng như vậy, ông là hậu duệ của hoạn quan, nhưng lại luôn muốn xóa đi các mác này. Bởi thế nên ông đã gi.ế.t tên Đại hoạn quan Trương Nhượng, còn kết huynh đệ với Viên Thiệu. Điều này cho thấy ông và Tuân Úc giống nhau, đều có hoàn cảnh rất xấu hổ. Hai người họ có trải nghiệm giống nhau, thấu hiểu cho nhau, nên có thể tụ lại một chỗ hỗ trợ lẫn nhau.
Lý do thứ hai cũng chính là lý do quan trọng nhất, chính là khi Tào Tháo đưa quân thảo phạt Đổng Trác, tuy “ngu ngốc” đến mức suýt m.ấ.t m.ạ.ng song cũng chứng minh được ông chính là trung thần của nhà Hán.
Mà lý tưởng trọn đời của Tuân Úc chính là phục hưng địa vị nhà Hán. Ông cùng Tào Tháo có cùng chung lý tưởng, khiến cho Tuân Úc không tiếc rời bỏ Viên Thiệu, chọn phò tá cho Tào Tháo.
Cũng tức là nói, Tuân Úc cũng giống như Gia Cát Lượng, từ đầu đến cuối luôn là người theo đuổi lý tưởng, là người có thể vì lý tưởng, mục đích của bản thân mà không tiếc hi sinh chính mình. Chỉ khác là Tuân Úc trung thành là tông thất nhà Hán, còn Gia Cát Lượng chọn dòng dõi lưu lạc của nhà Hán là Lưu Bị.
Đây cũng là một trong những đặc trưng thời tam quốc, dù là trong tập đoàn Tào Tháo hay tập đoàn Lưu Bị, cũng đều dựa vào hai vị “theo đuổi chủ nghĩa lý tưởng” này, xây dựng nên căn cơ ban đầu.
Song hai người Lưu Bị và Tào Tháo lại là người theo chủ nghĩa hiện thực, thay đổi biến chất theo lợi ích, cho nên rơi vào hai kết cục khác nhau: Gia Cát Lượng “cúc cung tận tụy, đến ch.ế.t mới thôi” còn Tuân Úc lại “đốt bỏ tất cả”.