Cả 3 vị quân chủ đều có những đặc điểm, tính cách, năng lực và nền tảng để gây dựng sự nghiệp khác nhau. Nhưng ai mới là người được hậu thế tôn thờ?
Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền là ba ông chủ lớn của tập đoàn chính trị Tào Nguỵ, Thục Hán và Đông Ngô thời Tam Quốc. Những cuộc chiến khốc liệt giữa các chư hầu nhằm xưng bá thiên hạ đã khiến cho thời kỳ này trở nên đẫm m.á.u.
L.o.ạ.n thế sinh anh hùng nên anh hùng, hào kiệt trong thời kỳ này nhiều vô số và họ đều coi việc thống nhất thiên hạ là trách nhiệm của mình. Chính vì vậy mà cả ba ông chủ đều sở hữu một đặc điểm chung:
Thứ nhất: Lý tưởng lớn, mục tiêu rõ ràng.
Thứ hai: Có tài nhìn người và dùng người.
Thứ ba: Có sức hút mạnh mẽ từ góc độ nhân cách.
Tuy nhiên, họ cũng có những đặc điểm, tính cách, năng lực và nền tảng để gây dựng sự nghiệp khác nhau. Nhưng ai mới là người được hậu thế tôn thờ?
Vượt mặt Tào Tháo và Tôn Quyền, Lưu Bị có lẽ là vị hoàng đế được tôn thờ nhất trong thời Tam quốc tại Trung Hoa.
Tự là Huyền Đức, ông được biết đến là một vị thủ lĩnh tài ba và khai quốc Thục Hán.
Tuy đọc “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, quan điểm ủng hộ Lưu Bị và phản đối Tào Tháo thể hiện rất rõ nét nhưng hình tượng Lưu bị trong tiểu thuyết lại nhu nhược và vô dụng. Trong ba người, nếu Tào Tháo có thiên thời, Tôn Quyền có địa lợi thì Lưu Bị lại là yếu tố con người (nhân hòa).
Nhưng trên thực tế, nếu dựa trên ghi chép của Trần Thọ trong Tam quốc chí, Lưu Bị lại vô cùng toàn tài vừa có tài cầm quân lại thu phục lòng người, đến cả Tào Tháo cũng phải công nhận. Thậm chí Tào Tháo cũng từng nói rằng: “Ngày nay anh hùng trong thiên hạ, chỉ có sứ quân (Lưu Bị) và Tháo này vậy. Lũ Bản Sơ (Viên Thiệu) chẳng đáng kể đến.”
Hay khi nói về “nhân hòa” của Lưu Bị, một quân sư của Tào Tháo – Quách Gia cũng nhận định: “Có hùng tài mà rất được lòng người, không chịu ở dưới người, mưu tính của Lưu Bị chưa thể lường được vậy”.
Năng lực bản thân của Lưu Bị thực ra không quá nổi bật nhưng ông có một ưu điểm xuất sắc nhất ít người sánh được, đó chính là có thể kiên nhẫn không bị dao động, đánh trận nào thua trận nấy song vẫn kiên trì đến cùng, không từ bỏ, chỉ số vượt khó, vượt qua nghịch cảnh rất cao.
So với Tào Tháo và Tôn Quyền, Lưu Bị rõ ràng có xuất phát điểm từ nông dân, không có hậu thuẫn nhưng Lưu Bị được biết đến là một người rất trọng nghĩa. Tuy nhiên, với tham vọng thống nhất thiên hạ, phục hưng Hán thất, Lưu Bị cũng đã từng bước có được những dấu ấn nhất định, nhờ có sự phò tá đắc lực của bậc kỳ tài như Gia Cát Lượng và “Ngũ hổ tướng”.
Chỉ từ hai bàn tay trắng mà Lưu Bị đã gây dựng cơ đồ, lập lên nhà Thục và trở thành một hình mẫu hoàng đế lý tưởng, quan điểm “ủng Lưu ph.ả.n Tào” trở thành tư tưởng chung của Trung Hoa. Chính bởi vậy, Lưu Bị là hoàng đế duy nhất thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu. Đây là miếu do nhà Minh, nhà Thanh xây dựng để thờ phụng các đời vua chính thống của Trung Quốc.
Đáng tiếc, Lưu Bị lại ra đi sớm trong khi sự nghiệp phục hưng Hán thất vẫn còn dang dở.